Bạn từng đã nghe qua rất nhiều bộ nhớ như bộ nhớ RAM, bộ nhớ ROM, bộ nhớ HDD hay USB cũng là bộ nhớ,…Vậy chúng được phân loại như thế nào? Bộ nhớ ROM là gì? Có những loại bộ nhớ ROM nào? Cùng nhau tìm hiểu nhé.
1. Các loại bộ nhớ máy tính
Bộ nhớ máy tính có thể chia thành: bộ nhớ chính (ROM và RAM) và bộ nhớ phụ (các thiết bị lưu trữ khác).
Còn gọi là bộ nhớ trong (ROM và RAM) và bộ nhớ ngoài (các thiết bị lưu trữ khác).
2. Bộ nhớ ROM và các loại bộ nhớ ROM
2.1. Bộ nhớ ROM (Read Only Memory)
Là bộ nhớ bất biến (non-volatile), thông tin lưu trữ không bị mất khi tắt máy. ROM dùng để lưu trữ các chương trình BIOS.
Chương trình BIOS lưu trữ các thông số kỹ thuật của các thành phần phần cứng, chương trình khởi động máy tính được nạp sẵn bởi nhà sản xuất.
Nhận biết bộ nhớ ROM
- Hình dạng: hình chữ nhật, hình vuông
- Nhà sản xuất thường là AMI, Phoenix-Award, Winbond
- Hình thức kết nối: dạng chân hàn, chân dán hoặc gắn vào socket
2.2. Các loại bộ nhớ ROM
Bộ nhớ ROM gồm có các loại sau:
PROM (Programmable ROM)
Loại chip bộ nhớ chỉ đọc và có thể lập trình (nạp chương trình BIOS) được nhưng chỉ một lần.
PROM được lập trình một lần và dữ liệu trên chip không thể xóa. PROM được phát minh vào năm 1956 bởi Wen Tsing Chow.
EPROM (Erasable Programmable ROM)
Loại chip nhớ mà thông tin lưu trữ có thể xóa bằng tia cực tím.
EPROM được phát minh vào năm 1971 bởi Dov Frohman.
EEPROM (Electrically Erasable Programmable ROM)
Loại chip nhớ mà thông tin lưu trữ có thể xóa bằng điện và sau đó ghi lại mà không cần lấy ra khỏi máy tính.
Năm 1972, một chip nhớ EEPROM được chế tạo bởi viện nghiên cứu quốc gia Nhật Bản.
Flash memory
Flash memory được Fujio Masuoka phát minh ở Toshiba năm 1972.
Flash memory là một loại chip nhớ EEPROM có tốc độ cao và dung lượng lớn. Hoạt động dựa trên các cổng logic NOR và NAND.