Tra cứu các mạch cấp nguồn trên mainboard Laptop

Đây là bài 7/10 bài của series môn học TH Sửa chữa Laptop cơ bản

1. Chuẩn bị dụng cụ

Mỗi sinh viên chuẩn bị các dụng cụ sau:

Dụng cụ chính:

    • 2 mainboard Laptop
    • 1 đèn soi linh kiện
    • 1 tua vít
    • 1 hộp đựng vít

Dụng cụ hỗ trợ:

    • 1 chổi vệ sinh
    • 1 khăn lau

2. Thực hành

2.1. Yêu cầu

– Mỗi sinh viên nhận dụng cụ thực hành.

– Nhận biết các mạch cấp nguồn trên mainboard Laptop và cho biết đặc điểm vị trí, các linh kiện cấu thành các mạch nguồn này.

– Hoàn thành phiếu thực hành.

– Chụp hình, quay video để làm tư liệu.

2.2. Các mạch cấp nguồn trên mainboard Laptop

2.2.1. Nguồn đầu vào

Nguồn đầu vào là điểm tập trung điện áp giữa nguồn DC IN (Adapter) và nguồn V.BAT (nguồn Pin), có điện áp từ 12V đến 20V.

Nguồn đầu vào đi đến các nguồn xung để cung cấp điện áp cho các nguồn xung hoạt động.

Nguồn đầu vào được kiểm soát bởi mạch đầu vào. Mạch đầu vào được điều khiển bởi các mạch bảo vệ và IC SIO.

Nguồn đầu vào thường nằm gần jack cắm adapter và chân pin.

Thông số:

    • Mosfet thuận
    • Các đèn mosfet khác
    • Các mạch bảo vệ

2.2.2. Nguồn chờ

Nguồn chờ là nguồn điện áp thấp đầu tiên có trên máy (5V hoặc 5V và 3,3V) do mạch ổn áp REGU tạo ra để cấp nguồn cho một số mạch cần điện áp thấp như SIO, chân VDD của IC dao động 5V, 3V cấp trước hoặc một số mạch bảo vệ.

Các máy Laptop đều có nguồn chờ ra ở chân All_Always_On của IC dao động nguồn 5V, 3V cấp trước.

Nguồn chờ có điện áp 5V hoặc 5V và 3,3V và xuất hiện tất cả mọi thời gian khi máy có gắn nguồn Pin hoặc nguồn Adapter.

Mạch REGU tạo ra nguồn chờ được tích hợp trong IC dao động của nguồn cấp trước 5V, 3V.

Nguồn chờ thường nằm gần nguồn đầu vào và IC SIO. Trên các dòng máy IBM có 2 nguồn chờ.

Thông số:

    • IC dao động nguồn cấp trước 5V, 3.3V
    • Chân VDD của IC dao động nguồn cấp trước
    • Chân đi ra của nguồn chờ trên IC dao động
    • IC SIO

2.2.3. Nguồn cấp trước

Nguồn cấp trước là nguồn điện xuất hiện trước khi bấm mở nguồn (sử dụng Adapter).

Nguồn cấp trước thông thường có hai điện áp là 5V và 3.3V.

Nguồn cấp trước do các nguồn xung tạo ra và chỉ hoạt động khi có sự điều khiển của IC Power Control – IC SIO.

Nguồn cấp trước hoạt động kể cả khi máy không mở nguồn nhằm cung cấp điện áp cho mạch điều khiển xạc.

Khi máy có nguồn cấp trước thì khi đo ở các chân Data, Clock, Temp của chân Pin sẽ có điện áp khoảng 2 đến 3V.

Nguồn cấp trước thường đứng gần IC SIO.

Thông số:

    • IC SIO
    • IC dao động nguồn cấp trước
    • Nguồn xung (IC dao động, mosfet, cuộn dây, tụ điện) 5V, 3.3V

2.2.4. Nguồn thứ cấp

Nguồn thứ cấp là nguồn điện xuất hiện sau khi bấm công tắc mở nguồn.

Nguồn thứ cấp bao gồm toàn bộ các điện áp cung cấp cho các bộ phận của máy để chuẩn bị đưa máy vào chế độ hoạt động (không tính nguồn VCORE cấp cho CPU).

Các điện áp thứ cấp 5V và 3,3V được tạo ra với điện áp cấp trước 5V và 3,3V dưới sự điều khiển của lệnh mở nguồn thứ cấp.

Các điện áp khác được tạo ra bởi các nguồn xung như điện áp: 2,5V – 1,8V – 1,5V – 1,25V – 1,2V – 1,05V – 0,9V (trong đó điện áp 2,5V và 1,25V cấp cho DDR, điện áp 1,8V và 0,9V cấp cho DDR2).

Các nguồn thứ cấp chỉ xuất hiện khi máy đã có nguồn cấp trước.

Nguồn thứ cấp thường nằm gần các linh kiện mà nó cung cấp điện áp.

Thông số:

    • Nguồn xung RAM (IC dao động, mosfet, cuộn dây, tụ điện)
    • Nguồn xung HDD, LCD, USB (IC dao động, mosfet, cuộn dây, tụ điện)
    • Nguồn xung chipset, BIOS, Clockgen, SIO, Sound, Net (IC dao động, mosfet, cuộn dây, tụ điện).

2.2.5. Nguồn VCORE

VCORE là nguồn chính cấp cho CPU.

Nguồn VCORE xuất hiện sau cùng so với các nguồn điện khác để đưa máy vào chế độ hoạt động.

Nguồn VCORE cho dòng điện lớn lên tới trên 10A.

Nguồn VCORE chỉ xuất hiện khi nguồn thứ cấp đã có và ổn định.

Sau khi nguồn VCORE xuất hiện mới có tín hiệu khởi động mạch Clock Gen để tạo xung Clock.

Nguồn VCORE vào thường nằm gần CPU.

Thông số:

    • IC dao động nguồn VCORE
    • Các đền mosfet
    • Các cuộn dây
    • Các tụ điện (hóa, gốm)

3. Phiếu thực hành

Mỗi sinh viên download phiếu thực hành tại đây, photo và mang theo khi thực hành.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước và bài sau trong môn học<< Cách đọc sơ đồ mạch (schematic) của mainboard LaptopSử dụng nguồn đa năng để chẩn đoán các điện áp trên mainboard Laptop >>
Chia sẻ trên mạng xã hội:

Trả lời

Lưu ý:

1) Vui lòng bình luận bằng tiếng Việt có dấu.

2) Khuyến khích sử dụng tên thật và địa chỉ email chính xác.

3) Mọi bình luận trái quy định sẽ bị xóa bỏ.