Quản lý tài nguyên đĩa cứng: basic disk và dynamic disk

Đây là bài 6/17 bài của series môn học Thực hành Mạng máy tính

Các bài thực hành đang sử dụng hệ điều hành Windows Server 2003 và Windows XP. Sinh viên có thể thay thế bằng Windows Server 2012 và Windows 7 nếu phòng máy có cài đặt.

1. Bài tập

Xây dựng mạng LAN với sơ đồ mạng sau đây:

Sơ đồ mạng LAN

Lưu ý: Máy server cài đặt hệ điều hành Windows Server 2003, các máy tính còn lại cài đặt hệ điều hành windows XP.

Tạo folder C:\\MMT trên máy Server-PT. Chia sẻ dữ liệu này cho các máy tính khác trong hệ thống mạng.

Các máy tính khác truy cập vào máy Server-PT để copy dữ liệu của folder C:\\MMT và lưu và phân vùng D trên máy mình.

2. Quản lý đĩa cứng với Basic Disk

2.1. Phân vùng đĩa cứng Basic Disk

Thêm đĩa cứng vào máy ảo.

Thêm đĩa cứng cho máy ảo

Mở máy áo và cấu hình sử dụng ổ đĩa vừa thêm vào. Click phải My Computer chọn Manage rồi chọn Disk Management.

Cấu hình ổ đĩa

Hộp thoại khởi tạo đĩa cứng xuất hiện. Click Next rồi chọn check khởi tạo.

Khởi tạo ổ đĩa

Click Next, check để chuyển ổ đĩa sang dynamic hoặc không check để mặc định ổ đĩa dạng basic.

Tạo basic disk

Click Finish để kết thúc quá trình khởi tạo ổ đĩa. Một ổ đĩa mới được thêm vào nhưng đang ở dạng Unallocated.

Thêm ổ đĩa thành công

Tiến hành phân vùng ổ đĩa để sử dụng. Click phải vào ổ đĩa chọn New Partition…Click Next. Có 2 loại phân vùng ổ đĩa là Primary và Extended. Phân vùng Primary dùng cho cài đặt hệ điều hành còn Extended dùng để lưu trữ dữ liệu.

Phân vùng ổ đĩa primary

Chọn phân vùng Primary để tạo một phân vùng M (15 GB) cài đặt hệ điều hành.

Dung lượng ổ đĩa primary

Click Next, rồi cấu hình mặc định cho phân vùng M vừa tạo.

Cấu hình ổ đĩa primary

Một phân vùng M (Primary partition) được tạo ra.

Phân vùng mới đc tạo ra

Click phải vào phân vùng Unallocated còn lại của ổ đĩa, chọn New Partition… Click Next rồi chọn phân vùng Extended.

Tạo phân vùng extended

Dung lượng phân vùng Extended là dung lượng còn lại của ổ đĩa. Click Next rồi click Finish để tạo xong một phân vùng Free Space cho phân vùng Extended.

Phân vùng extended được tạo

Click phải vào phân vùng Free Space rồi chọn New Logical Drive…Click Next đến khi chọn tên của phân vùng là N.

Tạo logical drive

Click Next và Finish để hoàn tất quá trình tạo phân vùng N. Một phân vùng Extended được tạo ra.

Một phân vùng extended được tạo

Vào Computer để xem 2 phân vùng được tạo.

Xem phân vùng trong Windows Explorer

2.2. Bài tập Basic Disk

  • Trên máy server, thêm một ổ đĩa (dạng basic) 100 GB.
  • Phân vùng ổ đĩa thành 3 phân vùng: 1 phân vùng primary 40 GB, 2 phân vùng extended, mỗi phân vùng extended có dung lượng 30 GB.
  • Tạo một file abc.txt trong phân vùng primary vừa tạo.
  • Chia sẻ file abc.txt cho tất cả các máy tính khác trong mạng LAN. Những máy tính khác copy một bản lưu trong phân vùng C của máy mình.

3. Dynamic Disk

Dynamic Disk được chia thành các volumn dynamic để lưu trữ dữ liệu và có thể hỗ trợ lên tới 2000 volume trên một ổ đĩa. Volumn dynamic không chứa partition hay ổ đĩa logic.

Windows Server 2003 và Windows 2000 hỗ trợ 5 loại volumn dynamic: Simple, Spanned, Striped, Mirrored và Raid-5.

Dynamic Disk cung cấp các chức năng nổi bật sau:

    • Cho phép ghép nhiều ổ đĩa vật lý tạo thành ổ Logic.
    • Cho phép ghép nhiều vùng trống không liên tục trên nhiều đĩa cứng vật lý để tạo ổ đĩa logic.
    • Cho phép truyền tải dữ liệu được thực hiện cùng một lúc trên hai ổ cứng.
    • Cho phép sao lưu dữ liệu liên tục trong suốt quá trình làm việc.

Nhược điểm của Dynamic Disk là chỉ được hỗ trợ bởi một số hệ điều hành của Microsoft. Ngoài ra, nó đòi hỏi phải có từ hai ổ cứng trở lên, trong một số trường hợp các ổ cứng phải giống hệt nhau về kích thước…

Do đó, Dynamic Disk chủ yếu chỉ sử dụng trong các hệ thống lớn, trong các máy chủ hoặc trong các nơi có đòi hỏi cấp thiết về vấn đề an toàn và tốc độ xử lý dữ liệu.

3.1. Simple

Dữ liệu trên simple volume chỉ được lưu trữ trên 1 ổ cứng vật lý. Do đó, vấn đề an toàn dữ liệu (Fault Tolerancing) và tăng tốc độ xử lý (Load Balancing) không được đảm bảo, khi ổ cứng vật lý hỏng thì dữ liệu có nguy cơ bị mất.

3.2. Spanned

Dữ liệu trên spanned volume được chép phân bổ trên 2 ổ cứng vật lý trở lên, các ổ cứng không nhất thiết phải giống nhau và chúng được ghép lại thành một Volume duy nhất.

Tuy vậy, chúng không có khả năng đáp ứng vấn đề an toàn dữ liệu (Fault Tolerance), và tốc độ xử lý dữ liệu (Load Balancing), vì chưa có sự thay đổi về cơ chế (dữ liệu được chép đầy trên spanned volume ở disk 1 mới chép sang các disk còn lại).

3.3. Striped

Dữ liệu trên striped volume có thể được trao đổi cùng lúc trên 2 ổ cứng vật lý trở lên, dung lượng trên các ổ cứng vật lý của striped volume phải bằng nhau. Striped Volume có sự thay đổi trong cơ chế hoạt động, dữ liệu khi được chép trên striped được chia ra và chép đều trên các disk.

Vì thế, striped đáp ứng được vấn đề tốc độ xử lý dữ liệu (Load Balancing), tuy nhiên striped không đáp ứng được vấn đề an toàn dữ liệu (Fault Tolerance).

3.4. Mirrored

Mirror volume chỉ yêu cầu 2 ổ cứng vật lý, dữ liệu khi chép trên mirror sẽ được backup sang đĩa cứng vật lý thứ 2 (vì thế dung lượng trên mirror volume chỉ bằng 1/2 dung lượng khi ta cấu hình). Do đó, Mirror Volume đáp ứng nhu cầu an toàn dữ liệu (Fault Tolerangcing), nhưng không làm tăng tốc độ truy xuất dữ liệu.

3.5. Raid-5

Raid-5 Volume là giải pháp kết hợp các loại volume (Striped Volume RAID-0, Mirror Volume RAID-1) đã đề cập ở trên. Raid-5 đáp ứng cho chúng ta cả 2 vấn đề an toàn dữ liệu (Fault Tolerance), và tăng tốc độ xử lý dữ liệu (Load Balancing).

Để đáp ứng 2 vấn đề trên, Raid-5 đòi hỏi phải sử dụng 3 ổ đĩa cứng vật lý, và sử dụng thuật toán Parity (khi 1 trong 3 đĩa bị hỏng, thuật toán Parity sẽ tự chép những bit bị mất). Vì phải chứa thêm bit Parity nên dung lượng của Raid-5 Volume sẽ chỉ bằng 2/3 dung lượng ta cấu hình (1/3 còn lại là để chứa bit Parity).

3.6. Phân vùng Dynamic Disk

Tùy vào loại phân vùng Dynamic Disk, chúng ta cần thêm bấy nhiêu ổ đĩa. Ví dụ, với Spanned thì chỉ cần 2 ổ đĩa Dynamic. Nhưng với Raid-5 thì cần 3 ổ đĩa.

Có thể convert ổ đĩa Basic sang Dynamic (click phải vào ổ đĩa -> Convert to…) và ngược lại.

Convert basic to dynamic disk

Click phải chọn New Volume… để phân vùng Dynamic Disk. Click Next.

Tạo phân vùng dynamic

Chẳng hạn, tạo một ổ đĩa E loại Simple với 20 GB. Chọn lại dung lượng ổ đĩa.

Chọn dung lượng dynamic disk

Phân vùng E trên ổ đĩa Dynamic được tạo ra. Giao diện cho màu chú thích các loại phân vùng trên Dynamic Disk. Ví dụ, phân vùng Simple có màu vàng sẫm.

Phân vùng dynamic được tạo

3.7. Bài tập

Phân vùng các đĩa cứng như trong hình bên dưới:

Bài tập dynamic disk
5/5 - (5 bình chọn)
Bài trước và bài sau trong môn học<< Chia sẻ dữ liệu trong mạng LANQuản lý tài khoản người dùng trong máy tính >>
Chia sẻ trên mạng xã hội:

Trả lời

Lưu ý:

1) Vui lòng bình luận bằng tiếng Việt có dấu.

2) Khuyến khích sử dụng tên thật và địa chỉ email chính xác.

3) Mọi bình luận trái quy định sẽ bị xóa bỏ.