Thực hành kiểm tra điện áp trên mainboard Desktop

Đây là bài 6/9 bài của series môn học TH Sửa chữa Desktop cơ bản

1. Chuẩn bị dụng cụ

Mỗi sinh viên chuẩn bị các dụng cụ sau:

Dụng cụ chính:

    • 1 mainboard Desktop
    • 1 bộ nguồn ATX
    • 1 dây nguồn
    • 1 đồng hồ đa năng

Dụng cụ hỗ trợ:

    • 1 chổi vệ sinh
    • 1 khăn lau
    • 1 ổ cắm điện

2. Nguyên lý mạch cấp nguồn trên mainboard Desktop

Sơ đồ nguyên lý cấp nguồn Desktop

Bước 1 – Khi cắm điện, phần nguồn STANDBY trên nguồn ATX hoạt động, cung cấp 5V STB xuống mainboard qua dây màu tím của jack nguồn.

Bước 2 – Khi nhấn nút Power, mạch khởi động trên mainboard đưa ra lệnh P.ON (= 0V) điều khiển cho nguồn chính hoạt động.

Bước 3 – Nguồn chính hoạt động, cung cấp xuống mainboard các điện áp 3,3V  5V và 12V và một số nguồn phụ như -5V và -12V.

Bước 4 – Nguồn 3,3V cấp trực tiếp cho IC tạo xung Clock,  Chipset Nam, BIOS và IC SIO. Đồng thời, nguồn 3,3V đi qua mạch ổn áp hạ xuống 1,5V cấp cho các Chipset (Intel) hoặc hạ xuống 3V cấp cho các chipset VIA.

Bước 5 – Nguồn 12V đi qua mạch ổn áp VRM hạ xuống điện áp khoảng 1,5V cấp cho CPU.

Bước 6 – Nguồn 5V đi cấp cho Chipset và các Card mở rộng trên khe PCI, giảm áp xuống 2,5V qua mạch ổn áp để cấp nguồn cho RAM.

3. Kiểm tra điện áp mainboard Desktop khi chưa kích nguồn

Kiểm tra chân PS_ON trên fron panel đã có mức điện áp từ 1,5 – 5V hay không. Đây là chân số 6 trên front panel.

Kiểm tra nguồn 3,3V hoặc 5V trên khe PCI ở chân A14. Nguồn này là nguồn cấp trước cho chipset nam.

Trường hợp thiếu 1 trong 2 điện áp trên thì không thể kích nguồn được.           

4. Kiểm tra điện áp mainboard Desktop khi đã kích nguồn

Bước 1 – Dùng một vật làm bằng kim loại, nối tắt chân 6, 8 trên front panel lại. Sau đó, ta quan sát quạt của nguồn ATX quay thì đã kích được nguồn.

Bước 2 – Đo điện áp khe RAM xem đã được cấp nguồn chưa. RAM DDR có 2,5V, đo ở chân 184. RAM DDR 2 có 1,8V, đo trên chân 184. RAM DDR 3 có 1,5V,  đo trên chân 170.  Khi mất nguồn RAM sẽ làm mất nguồn chipset Bắc và CPU.

Chân khe RAM DDR3
Các chân nhận nguồn trên khe RAM DDR3

Bước 3 – Trên mainboard Desktop còn có những nguồn RAM phụ. Để đo các nguồn RAM phụ này, ta đo trên các con điện trở nhỏ 8 chân gần khe cắm RAM. Nguồn phụ này thường bằng 1/2 nguồn RAM. Nguồn phụ RAM DDR là 1,25V, DDR 2 là 0,9V, RAM DDR 3 là 0,75V.

Bước 4 – Đo điện áp 1,5V hoặc 1,8V cấp cho chipset bắc và nam. Mạch ổn áp nguồn chipset thường nằm giữa 2 chipset. Đo chân S của Mosfet nguồn chipset để biết có nguồn cấp cho chipset chưa. Điện áp này mất thường do chết Mosfet, chết IC dao động nguồn hoặc chạm chập chipset nam.

Đo điện áp 1,5V cấp cho chip cầu bắc. Bằng cách đo vào chân S của Mosfet nằm gần chip bắc. Mất điện áp này làm mất nguồn chip bắc và CPU.

Cấu tạo mạch cấp nguồn chipset
Đo điện áp mosfet của mạch nguồn chipset

Bước 5 – Điện áp cấp cho CPU khoảng 1,2 – 1,8V. Đo bằng cách đặt que đỏ vào chân S của Mosfet trên mạch VRM hoặc lật ngược mainboard và đo vào chân cuộn dây. Mất điện áp CPU làm cho CPU không hoạt động. Mất điện áp VCORE thường do chết IC dao động nguồn VCORE, Mosfet bị chạm chập hay cũng có thể do mất điện áp nguồn RAM, chipset.

Cấu tạo mạch cấp nguồn CPU
Đo mosfet của mạch nguồn CPU

5. Thực hành

– Mỗi sinh viên nhận dụng cụ thực hành.

– Tháo thùng máy Desktop.

– Vệ sinh sạch sẽ mainboard Desktop.

– Đo đạt, kiểm tra điện áp trên mainboard Desktop trước khi kích nguồn và sau khi kích nguồn.

– Chụp hình, quay video để làm tư liệu.

6. Phiếu thực hành

Mỗi sinh viên download phiếu thực hành tại đây, photo và mang theo khi thực hành.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước và bài sau trong môn học<< Thực hành đọc sơ đồ mạch mainboard Desktop-Phần 2Thực hành khò, hàn linh kiện trên mainboard >>
Chia sẻ trên mạng xã hội:

Để lại một bình luận

Lưu ý:

1) Vui lòng bình luận bằng tiếng Việt có dấu.

2) Khuyến khích sử dụng tên thật và địa chỉ email chính xác.

3) Mọi bình luận trái quy định sẽ bị xóa bỏ.